Ninh Bình đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ tổ chức và vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp
Tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 32 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp và tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Ninh Bình hiện có các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trọng yếu như: Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống Hội nghị trực tuyến, Nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; Hệ thống xác thực tập trung; Kho dữ liệu và Cổng dữ liệu mở; Trung tâm Điều hành thông minh; Hệ thống thông tin Báo cáo tỉnh; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống eCabinet; Hệ thống giám sát Một cửa và Cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Trung tâm Dữ liệu tỉnh hiện do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, được vận hành trực tiếp bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở. Hiện hệ thống Hosted đang duy trì, cài đặt và vận hành trực tiếp khoảng 20 Hệ thống thông tin dùng chung và chuyên ngành quan trọng. Các hệ thống nhìn chung hoạt động ổn định, tỷ lệ thời gian hoạt động (Uptime) trung bình đạt 97%. Việc giám sát vận hành hạ tầng được thực hiện qua hệ thống giám sát quản trị vận hành hạ tầng (NOSC); giám sát an toàn an ninh mạng qua Hệ thống giám sát, bảo vệ, tổ chức ứng cứu, xử lý bảo đảm an toàn, an ninh mạng (SOC) cho 27 cơ quan, đơn vị; đảm bảo An toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, kết nối Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; việc thực hiện sao lưu, dự phòng dữ liệu định kỳ cho các hệ thống theo quy định; đồng thời triển khai đánh giá An toàn thông tin định kỳ tại Trung tâm dữ liệu tỉnh.
Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông kiểm tra hoạt động của hệ thống lưu trữ dữ liệu tại thực địa
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác sáp nhập, sắp xếp, tổ chức vận hành Chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Ninh Bình thì công tác đảm bảo tuyệt đối an toàn, thông suốt, hiệu quả các Hệ thống thông tin trọng yếu phải được đặt lên hàng đầu. Ưu tiên cao nhất là đảm bảo Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính, Hệ thống Hội nghị trực tuyến, Cổng Thông tin điện tử tỉnh phải hoạt động ổn định, liên tục, an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình chuyển đổi và vận hành mô hình mới. Thứ hai là tính ổn định, liên tục của các Hệ thống thông tin và hạ tầng khác như hạ tầng mạng lưới (truyền số liệu chuyên dùng, Internet) và các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác phải được duy trì hoạt động ổn định, không gián đoạn, đảm bảo kết nối tốc độ cao, an toàn đến tất cả các đơn vị hành chính cấp xã mới. Hạ tầng (Trung tâm dữ liệu, đường truyền) phải đủ năng lực xử lý, lưu trữ, vận hành hiệu quả các Hệ thống thông tin dùng chung, Cơ sở dữ liệu; đảm bảo chia sẻ dữ liệu thông suốt, an toàn giữa cấp tỉnh và cấp xã mới…
Từ thực tiễn tình hình triển khai, hoạt động của các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu cùng các yêu cầu đặt ra đối với hạ tầng khi sắp xếp Đơn vị hành chính, vận hành Chính quyền 2 cấp; ngày 28/4/2025, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 431/UBND-VP6 về việc triển khai, rà soát, cập nhập, tổ chức lại các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác sắp xếp, tổ chức và vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tỉnh Ninh Bình. Trong đó, giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng và thực hiện điều chỉnh, bổ sung chức năng, cấu hình lại các HTTT dùng chung được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành (Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; Hệ thống QLVB&ĐH; Hệ thống Hội nghị trực tuyến; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống xác thực tập trung SSO; Nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh LGSP…). Đảm bảo các hệ thống hoạt động an toàn, thông suốt, hiệu quả, phục vụ tổ chức và vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Trước khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy: Chủ trì, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Hướng dẫn việc xác định, khoanh vùng, bàn giao dữ liệu điện tử; quản lý chữ ký số, tài khoản người dùng. Chủ trì, phối hợp thống nhất phương án cập nhật, sử dụng mã định danh điện tử; mã định danh tài liệu; mã hồ sơ và ký hiệu văn bản của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy được thống nhất, đồng bộ. Thực hiện cập nhật trên các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Trong suốt quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy: Là đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện và triển khai các nhiệm vụ, rà soát, cập nhật, tổ chức lại các HTTT, CSDL trên toàn tỉnh. Thực hiện rà soát hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo việc triển khai, kết nối các HTTT, CSDL đáp ứng yêu cầu. Đảm bảo duy trì hoạt động, cấu hình lại các kết nối trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh LGSP và nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Quốc gia NDXP.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí và tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thưc hiện các nội dung, nhiệm vụ về công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức hành chính địa phương 02 cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Đối với các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức khảo sát, xây dựng phương án và triển khai đối với các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu do đơn vị mình quản lý, vận hành hoặc chủ trì triển khai (bao gồm cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại cấp huyện trước khi giải thể). Thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh theo quy định.
Đối với các Doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Có thể nói, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp là yếu tố quyết định để đảm bảo hạ tầng Bưu chính, Viễn thông, các Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu đáp ứng tốt yêu cầu sắp xếp Đơn vị hành chính, từ đó góp phần vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp và thúc đẩy chuyển đổi số thành công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.
Tổ Truyền thông.
Danh sách liên quan
Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ tháng 5 năm 2025
LỚP BỒI DƯỠNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NĂM 2025
Hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã; phổ biến, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn
Sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ tháng 4 năm 2025
Chi bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tổ chức Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
- Diễn tập đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT - TKCN năm 2025
- Hướng dẫn khai thác sử dụng ứng dụng GenAI cho công chức, viên chức, tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Thành tựu chuyển đổi số năm 2024
- Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo
- Dấu ấn Tổ công nghệ số cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia